Thiết kế ghế có tên Queen chair, lấy cảm hứng từ Nam Phương hoàng hậu, của nhà thiết kế Nguyễn Phương Chi đã nhận giải nhì trong Tuần lễ thiết kế Việt Nam đầu tiên hồi năm 2021.
Chiếc ghế nhỏ màu xanh óng, có tay bịt vàng, với gối đệm lưng màu cam được đặt trên một bệ nhỏ tại phòng trưng bày thiết kế của Nordic, một thương hiệu nội thất Bắc Âu. Chắc chắn nó quan trọng với không gian này, thương hiệu này, phong cách thiết kế này. Chiếc ghế có tên Queen chair này được trao giải nhì Tuần lễ thiết kế VN 2021 (diễn ra cuối năm 2021).
Queen chair lấy cảm hứng từ ghế cung đình triều Nguyễn mà Nam Phương Hoàng hậu sử dụng cũng như chính phẩm cách của bà. Tác phẩm vừa có vẻ tối giản và theo phong cách cổ điển châu Âu, vừa có cảm hứng từ lịch sử, từ kiến trúc cổ khi sử dụng sơn mài. Tác phẩm còn sử dụng cả vàng lá để bịt tay ghế.
Nhà thiết kế Nguyễn Phương Chi vừa là người thiết kế ghế, vừa là Giám đốc điều hành (CEO) của thương hiệu Nordic. Cô chia sẻ câu chuyện của những thiết kế nội thất, những giá trị ẩn giấu trong từng chiếc ghế…
Queen chair là thiết kế đương đại và khác biệt có cảm hứng từ lịch sử. Có phải mọi thiết kế khác của Nordic cũng đạt trình độ đó, thưa chị?
Chúng tôi luôn muốn làm những thiết kế khác biệt. Nhưng một nhà thiết kế trẻ, chưa cộng tác nhiều với các nhãn hàng nổi tiếng, thì phải có nguồn thu. Nguồn thu đó tất nhiên vẫn đến từ các thiết kế tốt, nhưng nó phải đại chúng hơn. Điều đó làm mình có thời gian chiêm nghiệm trau dồi, và sau đó tạo nên thứ khác biệt. Nếu ai cũng đòi tạo nên khác biệt ngay mà không có bề dày tích lũy thì khó.
Làm một thiết kế đương đại là mong muốn không chỉ của bên tôi, nhưng nó không hề dễ, nên chúng tôi phải dành thời gian cho nó. Cứ 1 năm chúng tôi lại có một quỹ thời gian chừng 6 tháng để thiết kế, và khoảng 3 - 4 tháng dành cho phát triển sản phẩm riêng như Queen chair để tham gia một số cuộc thi hay triển lãm. Như vậy cùng lúc chúng tôi vừa có trải nghiệm sản phẩm vừa xây dựng vị thế của mình.
Đầu ra của các thiết kế đó ra sao?
Hiện tại chúng tôi tự đưa mẫu vào sản xuất. Công ty chúng tôi như một trung tâm thiết kế và chủ yếu thiết kế cho Nordic. Sau này, chúng tôi có thể thiết kế thêm các dòng sản phẩm khác.
Còn đầu ra của sản phẩm thế nào, thưa chị?
Chúng tôi cũng có những khách hàng là người nổi tiếng. Họ cũng mua Queen chair. Họ là giới tinh hoa và tài phiệt. Thông qua các câu chuyện thì thấy họ đánh giá (về thị trường nội thất - NV) trong Nam có District Eight, còn ngoài này có Nordic. So về quy mô thì Nordic nhỏ hơn District Eight nhiều, tuy nhiên kiểu như bắt đầu có đối trọng. Nhóm khách hàng này mua chủ động, số lượng ổn định. Chúng tôi không bị đau đầu để tìm khách, chứ trước tôi còn không biết họ ở đâu. Trước đây, tôi còn phải cân nhắc làm cái mình thích, lạ hay cái đáp ứng cuộc sống. Còn bây giờ chúng tôi hiểu dòng sản phẩm này sẽ thuộc về ai, như có trực giác mách.
Vừa thiết kế, vừa sản xuất, nghĩa là lo từ đầu đến cuối?
Có thương hiệu nổi tiếng họ chỉ làm dựa trên các mẫu đã ổn định, rồi làm kỹ càng và có thay đổi vài chi tiết nhỏ. Họ vẫn định vị họ là người sản xuất ra sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao. Chúng tôi cố gắng tách khỏi khái niệm đó.
Người Việt khi đi mua sắm, như mua sofa chẳng hạn, thường hay hỏi bao nhiêu tiền một mét dài. Đó là tư duy sản xuất. Chúng tôi muốn tư duy như một thương hiệu quốc tế. Sản phẩm là thiết kế, có câu chuyện…
Khách của Nordic có hỏi mét dài không?
Trước đây thì có, bây giờ thì không. Một cái sofa của tôi giá 40 - 50 triệu đồng, mà hỏi một mét dài bao nhiêu thì nói một mét dài 25 triệu à? Mét dài là kiểu ra chợ mua cân thịt, mớ rau. Còn đây, một sản phẩm trông thế này nhưng có thể mất hàng năm để thiết kế, bao nhiêu là chi phí. Chi phí nhân sự là một chuyện, chi phí 1 sản phẩm đập đi làm lại không biết bao lần để các bạn có thể có một sản phẩm cực kỳ thoải mái, tiện nghi mới đáng nói hơn. Chúng tôi sản xuất 100% ở VN, nguyên vật liệu nhập 100% ở châu Âu để có sản phẩm tốt nhất.
Sản xuất 100% ở VN. Thực ra điều đó có thuận lợi không, về khả năng thực hiện của thợ chẳng hạn?
Tôi phải thay đến hàng chục đơn vị. Có chỗ tranh cãi gay gắt kiểu thế này được rồi, sao bên em khó tính thế. Còn đơn vị hiện tại làm với chúng tôi khá cầu tiến. Có cái khó chưa biết làm thế nào, chúng tôi lại phải đi nghiên cứu cách làm, tìm trên mạng xem kỹ thuật ra sao, rồi chỉ lại cho họ. Hai bên phối hợp mới được. Ban đầu họ được 6 điểm, sau đó làm với mình từng chút một thì lên 9 điểm. Lên nữa thì vẫn muốn, nhưng nó lại phụ thuộc vào người thợ. Làm lâu quá thì chi phí cũng đội lên.
Về khả năng bị đạo nhái thì sao, thưa chị?
Bộ sưu tập đầu tiên tôi giới thiệu vào tháng 4, tháng 9 mang ra bán thì đến tháng 12 đã bị nhái rồi. Bây giờ Đài Loan, Trung Quốc có rất nhiều sản phẩm nhái của bên tôi. Chúng tôi hằng năm vẫn ra bộ sưu tập để định vị. Nhiều khi chỉ cần thông tin là sắp ra bộ sưu tập, mọi người đã háo hức chờ ngày công bố xem hình ảnh thế nào. Có thể họ không mua đâu nhưng muốn xem thiết kế thế nào.
Sau khi ra bộ sưu tập đầu tiên, tôi chỉ nghĩ làm và bán để không phải nhập hàng Trung Quốc. Vì nhập hàng Trung Quốc thì cạnh tranh về giá rất gay gắt, nếu mình nhập 1, họ nhập 100 cái ghế thì mình không thể cạnh tranh được, mình không thể bán nổi. Nên mình phải thiết kế để không ai cạnh tranh với mình.
Chị hoạch định tương lai thế nào?
Tôi là người có tham vọng xây dựng con đường dài. Tôi rất ghét tâm lý tự định vị mình kém, rồi làm hàng dở, èo uột, tự mình làm mình hèn, xong rồi đi sao chép. Khi tôi thiết kế ra sản phẩm, tôi nghĩ cái nào VN chưa có thì mình làm. Tôi cũng định vị sản phẩm Nordic là cao cấp, mặc dù chưa biết bán ở đâu, nhưng tôi phải làm tốt nhất có thể.
Nếu tôi không thể thành công thì ít nhất tôi cũng có thể truyền được cảm hứng rằng VN có thể thiết kế được, có thể định vị được.
Một thương hiệu nội thất Bắc Âu lại phát triển ở thị trường Việt thì có khó không?
Nordic là một thương hiệu do tôi thiết kế logo riêng. Nó là từ tương đương với Scandinavian. Trong ý niệm mà chúng tôi đăng ký bảo hộ thì nó là lối sống, phong cách sống Bắc Âu. Họ có lối sống rất văn minh, tập trung vào bên trong, thấy mọi thứ vừa đủ, cân bằng, không hoang phí, sống Đẹp. Tinh thần đó lan tỏa làm những không gian nội thất, sản phẩm nội thất cũng có tinh thần như vậy. Tôi lấy cảm hứng câu chuyện. Sản phẩm khi thiết kế cũng được nghiên cứu các nhân trắc học VN, khí hậu, văn hóa… Tuy nhiên, nó vẫn hướng tới việc làm phong cách sống văn minh hơn.
Tại sao phong cách Bắc Âu lan tỏa thế giới? Đến Nhật Bản những năm gần đây cũng kết hợp phong cách Nhật Bản và Scandinavian. Tại sao một đất nước có phong cách như Nhật Bản, rất khắt khe, mà lại chấp nhận phong cách Bắc Âu này? Phong cách Bắc Âu khi đến mỗi vùng đất đều biến hóa, thích nghi và được chấp nhận. À, tôi thấy phong cách đó đẹp một phần, nhưng quan trọng nó có những tiêu chí mà thế giới đương đại đang hướng tới. Trong đó có sự cân bằng, hưởng thụ, kết nối với thiên nhiên. Sau này có thể phát triển thêm vài dòng sản phẩm khác. Hiện tại Nordic đang mang lại doanh thu cho công ty. Queen chair cũng ra doanh thu cho công ty.
Nói thật ngắn về Queen chair, về những sản phẩm mình thiết kế, chị sẽ nói sao?
Nó là ngôn ngữ đương đại thôi. Hoàng hậu Nam Phương là người thuần Việt, bà có tiếp cận phương Tây, có phóng khoáng, có tiếp thu, có bỏ cổ hủ nhưng vẫn truyền thống. Chúng tôi muốn thiết kế có tinh thần đó. Đi từ cái rất Việt và đưa cho nó ngôn ngữ đương đại. Giống như bà ấy vẫn Việt nhưng có thêm văn hóa đa dạng nữa thì hoàn hảo hơn.
Các sản phẩm Nordic cũng thế. Nếu nội thất Bắc Âu màu sắc trung tính trắng ghi, thì về VN có cả xanh, hồng, tím. Người VN thích cầu kỳ, thích hoa hòe hoa sói, nên không thiết kế đồ trơn được. Cái gối chẳng hạn, sẽ có thêm dây trang trí. Ghế Nam Phương dùng ngôn ngữ vuông - tròn, là đương đại và tạo cô đọng, cũng là thể hiện năng lực của nhãn hàng.
Theo Báo Thanh niên
XEM THÊM:
- Giá trị lịch sử – văn hóa chứa đựng trong chiếc ghế lấy cảm hứng từ hoàng hậu Nam Phương
- Chiếc ghế gỗ nhẹ nhất thế giới, ra đời từ thử nghiệm chịu lực và độ bền kéo dài suốt 8 năm
- Ghế Eames Lounge & Ottoman – Biểu tượng của sự thoải mái và sang trọng
Comments
Post a Comment