Nhà bếp là nơi gói gọn tinh túy của một nền văn hóa, nơi đây như những “bảo tàng” lưu giữ các công thức, quy trình và truyền thống nấu nướng lâu đời. Bị ảnh hưởng bởi tập quán dân tộc và phong tục ẩm thực, kiến trúc nhà bếp rất khác nhau giữa các châu lục. Trong bối cảnh này, nhà bếp vượt xa vai trò là khu nội trợ và trở thành biểu hiện sâu sắc của các yếu tố văn hóa, xã hội và khu vực. Chúng không chỉ đóng vai trò là không gian với chức năng nấu nướng và chuẩn bị bữa ăn mà còn là sự phản ánh văn hóa và lối sống phong phú của những cá nhân sống trong đó.
Thường được coi là "trái tim" của một ngôi nhà, nhà bếp mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về con người và nền văn hóa của họ, mở ra cánh cửa cho những câu chuyện không gian đa dạng. Sự đa dạng trong kiến trúc nhà bếp chính thống có thể được cho là do những ảnh hưởng bao gồm sắc thái văn hóa, bối cảnh địa lý và di sản lịch sử. Từ sự ấm áp trong các căn bếp ở Ý- nơi tập trung vào mối quan hệ gia đình, cho đến không gian thông thoáng đặc trưng của nhà bếp Thái Lan. Thiết kế nhà bếp của mọi quốc gia đều bị chi phối bởi chức năng và chịu ảnh hưởng của văn hóa. Mặc dù có thể có những ý tưởng được chia sẻ xung quanh cách bố trí không gian, nhưng vẫn có sự khác biệt rõ rệt giữa kiến trúc nhà bếp phương Đông và phương Tây.
Sự khác biệt giữa thiết kế nhà bếp phương Đông và phương Tây chủ yếu là do sự tương phản trong ẩm thực và cách nấu nướng. Do đó, các bề mặt và thiết bị nấu ăn cụ thể cần phải được tích hợp trong cách bố trí nhà bếp tương tự. Kích thước, cách bố trí, bảo quản và kỹ thuật tổ chức cũng được quyết định bởi nhu cầu khi chế biến từng món ăn. Các chuẩn mực văn hóa xung quanh không gian, giao tiếp xã hội và vệ sinh thể hiện qua hình thức không gian của nhà bếp trên thế giới. Cùng nhau tìm hiểu phong cách kiến trúc ở Nhật Bản và Hoa Kỳ mang đến cái nhìn rõ ràng hơn về những tương phản này.
Nhà bếp Nhật
Một quốc gia nổi bật trên toàn thế giới về sự khác biệt trong thiết kế nhà bếp là Nhật Bản. Thiết kế nhà bếp truyền thống của Nhật Bản được biết đến với sự đơn giản về chức năng, chú ý đến từng chi tiết và mối liên hệ sâu sắc với văn hóa và thực hành ẩm thực của đất nước. Chúng có xu hướng có bố cục nhỏ gọn, sắp xếp hợp lý các tác vụ trong một không gian diện tích nhỏ. Không gian nấu ăn và lưu trữ tập trung vào sự tối giản và hiệu quả. Không gian được tổ chức ngăn nắp để giảm thiểu các chuyển động không cần thiết thường xuyên, bằng cách sử dụng cấu hình kiểu bếp hình chữ U. Nhiều nhà bếp truyền thống có một cửa sau riêng, đóng vai trò như nơi trao đổi dịch vụ hoặc để giao hàng.
Giống như hầu hết các nước châu Á, khi nấu ăn, người Nhật thường thực hiện trong tư thế cúi hoặc ngồi, do đó ảnh hưởng đến thiết kế của nhà bếp. Việc sử dụng mặt bàn thấp cho phép người đầu bếp quỳ gối thoải mái trong khi chế biến thức ăn, thúc đẩy mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa người nấu, các thành viên trong gia đình, thức ăn và quy trình. Nhà bếp truyền thống của Nhật Bản có thể có chiếu tatami và cửa trượt tạo không gian linh hoạt và dễ thích nghi.
Những ngôi nhà đầu tiên của Nhật Bản có nhà bếp được xây dựng tách biệt với nơi ở chính vì lý do an toàn, phòng tránh cháy nổ, mùi và khói cũng như tạo sự riêng tư. Trong thế kỷ 12 và 13, nhà bếp dần dần được tích hợp vào ngôi nhà trong khi vẫn duy trì lập trường là một không gian tách biệt. Trong các gia đình Nhật Bản, nhà bếp thường được coi là một không gian chức năng hơn là khu vực tụ họp để giao lưu. Mặc dù nấu ăn thường là một hoạt động chung, nhưng nó không có nhiều mối quan hệ với những người còn lại trong gia đình. Với chuẩn mực văn hóa này, người ta ít sử dụng nhà bếp trở thành nơi để giải trí hoặc tụ họp.
Nhà bếp ở Mỹ
Kiến trúc của nhà bếp Mỹ thể hiện một loạt các tính năng đã phát triển theo thời gian để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của chủ nhà. Không gian ban đầu là phòng chứa các thiết bị và đồ dùng cầm tay. Trong những tháng ấm hơn, một số hộ gia đình sử dụng "nhà bếp mùa hè" là những cấu trúc nghiêng riêng biệt, liền kề với khu nhà chính. Chúng được thiết kế để duy trì sự mát mẻ của ngôi nhà chính trong khi vẫn diễn ra các hoạt động nấu nướng.
Văn hóa ẩm thực Mỹ nhấn mạnh vào quá trình nấu ăn và giải trí. Các gia đình thích chuẩn bị các bữa ăn công phu và tổ chức các buổi họp mặt tại nhà của họ. Do đó, người ta có xu hướng xây dựng các căn bếp rộng rãi và có sức chứa lớn hơn, hướng đến niềm đam mê ẩm thực và ăn uống tập thể. Kích thước nhà bếp lớn cho phép có nhiều không gian hơn để chứa nhiều thiết bị, khu vực chuẩn bị thức ăn và kho chứa thiết bị nấu ăn, đồ dùng và nguyên liệu.
Trái ngược với nhà bếp phương Đông như ở Nhật Bản, nhà bếp của người Mỹ thường không khép kín và kết nối liền mạch với khu vực ăn uống và sinh hoạt. Nhà bếp có không gian mở là một khái niệm phổ biến, cùng với “đảo bếp” - một tính năng được phát minh bởi kiến trúc sư người Mỹ Frank Lloyd Wright. Ông tin rằng nếu nhà bếp là “trung tâm của ngôi nhà”, thì đảo bếp chính là “trái tim bên trong” của trung tâm này. Mặt sàn mở và đảo bếp đã mở rộng căn bếp thành không gian đa chức năng, đóng vai trò là trung tâm giao lưu và giải trí.
Để làm mờ thêm sự phân chia giữa nhà bếp và khu vực sinh hoạt, các tính năng như “góc ăn sáng yên tĩnh” (breakfast nook) là khu vực ăn uống thân mật liền kề với nhà bếp. Điều này cho phép việc nấu ăn hòa nhập với các công việc gia đình khác.
Khi thế giới trở nên kết nối với nhau hơn và công nghệ ngày càng tiến bộ, những đặc điểm khác biệt một thời của nhà bếp Nhật Bản và Mỹ bắt đầu hội tụ. Với sự phát triển của công nghiệp hóa và tự động hóa, các thiết kế nhà bếp đang trở nên chuẩn hóa hơn, tập trung vào hiệu quả và đáp ứng nhu cầu hiện đại. Cả nhà bếp Nhật Bản và Mỹ đều đang nắm bắt những tiến bộ công nghệ, kết hợp các thiết bị thông minh, tính năng tiết kiệm năng lượng và công nghệ nấu ăn tiên tiến.
Sự hội tụ này cho thấy rằng tương lai của thiết kế nhà bếp có thể ưu tiên sự tiện lợi và chức năng, làm mờ ranh giới giữa truyền thống văn hóa và nắm bắt những lợi ích của sự đổi mới hiện đại. Trong khi các khía cạnh văn hóa độc đáo của nhà bếp Nhật Bản và Mỹ có thể vẫn còn hiện diện, những điểm tương đồng ngày càng tăng cho thấy tác động toàn cầu và bản chất phát triển của kiến trúc nhà bếp trong thế kỷ 21.
Biên dịch: Hương Giang| Nguồn: Archdaily
https://interiordaily.vn/2023/09/17/van-hoa-da-anh-huong-den-su-tuong-phan-trong-nha-bep-cua-nhat-ban-va-my-nhu-the-nao/?feed_id=3302&_unique_id=6506d8a5037c7
Comments
Post a Comment