Bừng sáng không gian với những thiết kế đèn di động

Bộ sưu tập đèn di động được thiết kế bởi những nhà thiết kế sáng tạo và thương hiệu chiếu sáng hàng đầu. Những chiếc đèn này có thể di chuyển linh hoạt cho không gian trong và ngoài nhà, giữa nhà ở và văn phòng. 

ĐÈN DI ĐỘNG: 26 THIẾT KẾ CHIẾU SÁNG MÙA HÈ

Đèn di động 'Salt' của Grau

Đèn di động 'Salt'

Chuyên gia thiết kế chiếu sáng người Đức - Courtesy Grau đã tạo ra một bóng đèn với hình dạng đồng hồ cát cổ điển ẩn bên trong là công nghệ không dây tiên tiến làm cho chiếc đèn di động này nhỏ gọn hơn so với những chiếc đèn khác. Nhưng không vì sự di động này mà làm giảm độ sáng của đèn 'Salt', mà còn làm tăng sự thoải mái và gần gũi cho khách hàng sử dụng. Đây là phiên bản phát triển từ 'Salt&Pepper' phổ biến của nhà thiết kế Grau, chiếc đèn di động mới được thiết kế với sự chú trọng vào sức khỏe, với ánh sáng ấm áp giống như hoàng hôn được tạo ra để tăng cường chất melatonin trong cơ thể cho giấc ngủ tốt hơn.

Nhà sản xuất Timon và Melchior Grau nói rằng “Salt” là sản phẩm di động cho sức khỏe tinh thần dù bất kể bạn ở đâu. Đèn được trang bị chức năng Sunset Dimming, ánh sáng của nó 'có tác dụng thư giãn đã được chứng minh đối với cơ thể và tâm trí'. Đèn cung cấp ánh sáng trung bình trong 150 giờ, được sạc lại qua cáp USB-C và bao gồm tùy chọn ánh sáng khi ngủ với bộ hẹn giờ 30 phút.

Đèn di động Nastro của Studiopepe

Đèn di động Nastro

Thương hiệu đèn nổi tiếng của Ý - Tooy giới thiệu sản phẩm mới nhất của hai nhà thiết kế Chiara di Pinto và Arianna Lelli Mami thuộc công ty thiết kế Studiopepe. Đèn di động Nastro là một phần trong bộ sưu tập Nastro – bộ sưu tập các thiết kế dựa trên chủ đề một chiếc ruy-băng, được thiết kế để chiếu sáng cho bữa ăn ngoài trời, hoặc làm đèn phụ trong nhà. Bóng của chiếc đèn giống như dải ruy-băng giúp phân tán ánh sáng, góp phần tạo ra một không gian ấm áp cho căn nhà. Bộ sưu tập được định hình bởi một bảng màu mạnh mẽ từ màu vàng chanh và xanh bạc hà đến màu đất nung, màu vỏ trứng gà và màu đen.

Bộ sưu tập đèn di động của Tom Dixon


Thiết kế đèn chùm Puff


Chiếc đèn để bàn Portables


Đèn trưng bày Cone

Bộ sưu tập mới của nhà thiết kế Tom Dixon lần đầu tiên được ra mắt tại Euroluce trong sự kiện Salone del Mobile 2023 - sẽ bao gồm là đèn chùm Puff, đèn để bàn Portables lấy cảm hứng từ các thiết kế Melt, Bell và Stone mang tính biểu tượng và đèn trưng bày CONE. Dixon nói rằng “Ngày càng nhiều người muốn ánh sáng di chuyển cùng chúng ta, may mắn thay, công nghệ đã giúp chúng ta kết hợp năng lượng vào pin dự trữ cùng nguồn sáng tiết kiệm năng lượng cho phép ta chiếu sáng ở bất kỳ nơi nào với tính linh hoạt vô cùng tiện lợi”.

Đèn di động Ale của Catellani & Smith

Đèn di động Ale bao gồm một phiên bản đèn bàn lớn, đèn treo và đèn trần. Qua bộ óc sáng tạo của hai nhà thiết kế Catellani và Smith đã làm phong phú hơn đèn di động Ale bởi sự kết hợp màu sắc đầy vui tươi cho phiên bản mới nhất. Mỗi mẫu có hình dạng cơ bản giống nhau gồm bóng, đế hình trụ làm bằng gỗ, thân hình chữ V và thân đèn hoàn toàn được làm bằng kim loại sơn mài. Điểm đặc biệt là hình con ruồi kim loại để che giấu ốc vít trên đỉnh đầu của đèn.

Đèn di động Welcome của Fabio Novembre thiết kế cho Driade

Thiết kế mới nhất mang tên Welcome của giám đốc sáng tạo Fabio Novembre là đèn di động có thể sạc với chức năng mở rộng, chiếc đèn ngoài việc có công dụng chỉ chiếu sáng mà giờ đây có thể trở thành một khay hoặc giá đỡ để có thể thích nghi với nhiều nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng. Chiếc đèn có ba mẫu màu là trắng, đen và đỏ, chiếc đèn có hình dạng tròn đơn giản với một khay rộng ở phía trên.

Panthella Portable Lamp của Verner Panton thiết kế cho Louis Poulsen

Đèn Panthella của nhà thiết kế Verner Panton đã được thể hiện trong nhiều phiên bản bởi thương hiệu thiết kế ánh sáng Louis Poulsen. Bản thiết kế Panthella lần đầu tiên ra mắt vào năm 1971 đã giúp ông được công nhận là một thành viên quan trọng của thương hiệu Louis Poulsen ở Đan Mạch. Chiếc đèn di động có hình dạng hữu cơ mềm mại, kết hợp với màu trắng opal không chỉ đẹp mà còn có chức năng mang lại ánh sáng khuếch tán và phản chiếu dễ chịu. Đèn phát ra ánh sáng mờ không chói mắt. 

Đèn bàn Iside của Dolce & Gabbana Casa

Mẫu hoa văn độc đáo Blue Mediterraneo được lấy cảm hứng từ gốm majolica của Dolce & Gabbana đầy tinh tế để trang trí cho thiết kế đèn di động hiện đại mang tên Iside. Mẫu hoa văn táo bạo cân bằng giữa các hình dạng tối giản của đèn, tăng thêm một chút phong cách vào bất kỳ không gian nội thất nào trong đời sống và cũng có thể sử dụng chiếc đèn như ánh sáng tiện ích và linh hoạt.

Turn and Turn + của Nao Tamura thiết kế cho Ambientec 

Đèn di động Turn + của Nao Tamura được lấy cảm hứng từ sự quen thuộc của một chiếc đèn lồng và có bốn chế độ ánh sáng từ mức độ giống như nến cho đến ánh sáng tiện ích để làm việc và đọc sách. Chiếc đèn làm từ chất liệu đồng thau hoặc thép không gỉ, đèn di động này hứa hẹn sử dụng hơn 500 giờ trước khi cần sạc lại và còn có công dụng chống nước để có thể sử dụng ngoài trời. 

Thương hiệu đèn chiếu sáng Nhật Bản Ambientec thành lập bởi Yoshinori Kuno vào năm 2009, sau nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển đèn chiếu sáng chuyên nghiệp cho nhiếp ảnh dưới nước. Rút kinh nghiệm từ lĩnh vực này và làm việc cùng với một số nhà thiết kế hàng đầu của Nhật Bản, Kuno đã phát triển thương hiệu để sản xuất các loại đèn di động bền bỉ và chống nước, có công nghệ LED độc quyền và một phong cách thẩm mỹ tối giản.

Đèn di động Camellia của Andre Fu Living

Bộ sưu tập đèn di động của Andre Fu kết hợp công nghệ vào thiết kế đầy tinh tế nhằm mang lại cảm giác thoải mái và lung linh cho mọi không gian nội thất. Bộ sưu tập bao gồm đèn Camellia với ngoại hình được lấy cảm hứng từ những đường cong uốn lượn của loài hoa cùng tên, với một chân đồng tối giản và một bóng vải trắng được xếp ly tinh tế. Có ba mức độ sáng khác nhau, có thể sử dụng liên tục lên đến 40 giờ trước khi cần sạc lại.

Đèn di động Gustave do Vincent Van Duysen thiết kế cho Flos

Đèn di động của Vincent Van Duysen là một chiếc đèn sạc nhỏ gọn được lấy cảm hứng từ Adolf Loos và mang tên gọi tri ân bộ phim The Grand Budapest Hotel của Wes Anderson. Hình dạng bên ngoài của chiếc đèn vô cùng tối giản và ẩn bên trong đèn là phần pin sạc với cơ chế bật/tắt thông minh bằng cảm ứng. Đèn Gustave còn có khả năng chống nước phù hợp cho cả sử dụng trong nhà và ngoài trời, có tới bảy phiên bản màu sắc để phù hợp cho nhu cầu cũng như mỹ quan của không gian đặt đèn và hai nhiệt độ ánh sáng (2700K và 3000K) giúp không gian thêm phần lung linh ấm áp.

Đèn di động 'PC' do Pierre Charpin thiết kế cho Hay

Đèn di động PC tích hợp cho việc sử dụng trong nhà và ngoài trời, đèn Hay PC của Pierre Charpin đã thiết kế đèn vô cùng đặc sắc với bảng màu đa dạng và có thể chiếu sáng lên đến mười giờ sau mỗi lần sạc. Nổi bật với sự kết hợp các hình dạng đặc trưng trong những tác phẩm thiết kế của Charpin và cách sắp xếp màu sắc lấy cảm hứng từ màu Memphis, thân đèn làm từ nhựa đúc và phun bằng lớp sơn mờ để vừa chống trầy và vừa có thể chống được nước.

Đèn di động Caret MF1 do Matteo Fogale thiết kế cho &Tradition

Chiếc đèn thiết kế bởi Matteo Fogale cho thương hiệu Đan Mạch - &Tradition. Đèn di động Caret MF1 được lấy cảm hứng từ những chiếc đèn truyền thống, đèn Caret hứa hẹn sẽ trở thành một thiết kế thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Thiết kế của chiếc đèn được làm hoàn toàn từ thép sơn mài, thiết kế này có phần đế tròn và phần đỉnh dài hình kim tự tháp, phát ra ánh sáng khuếch tán dịu nhẹ. Đèn có hai màu hiện đại màu trắng ngà và màu đỏ rượu vang.

Đèn di động Quasar do Samy Rio thiết kế cho Petite Friture

Nhà thiết kế người Pháp Samy Rio đã tạo ra một chiếc đèn di động mới cho Petite Friture được mang tên là Quasar, chiếc đèn như một sự tưởng nhớ đến ngôi sao sáng nhất trong dải Ngân Hà. Chiếc đèn có thể sạc lại này có thân đèn được làm từ nhôm anodized nhìn vô cùng mạnh mẽ và bền bỉ. Đèn có ba gam màu chính (ấm áp, trung tính và trắng lạnh), các gam màu được thể hiện cụ thể như màu xanh ngọc lục bảo hoặc xanh ô liu, đen, sienna và xám. Chiếc đèn còn được trang bị dây nylon (dài lên đến 5 mét) để tăng linh hoạt cho đèn và pin có thể sử dụng lên đến 12 giờ trước khi cần sạc lại.

Đèn di động Ray do Daniel Schofield thiết kế cho Menu

Đèn di động 'Ray' của nhà thiết kế người Anh - Daniel Schofield cho thương hiệu Menu. Lấy cảm hứng từ tính chất tiện dụng và tinh tế trong thiết kế, đèn di động 'Ray' được làm từ kim loại phủ sơn bột có hình dạng đơn giản với một trụ tròn được phủ lớp sơn bột và một bóng đèn tròn rộng. Tay cầm thon gọn ở phía trên đèn giúp dễ dàng di chuyển và mang theo bên người. Schofield chia sẻ rằng "Tôi nghĩ rằng đèn di động là một lĩnh vực thú vị. Cách chúng ta sống, làm việc và sử dụng không gian trong nhà và ngoài trời đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây, vì vậy có nhiều giải pháp linh hoạt hơn để phù hợp với điều này". Đèn 'Ray' được thiết kế chống nước do đó có thể sử dụng như một nguồn sáng di động ngoài trời  cũng như trong nhà

Đèn di động Piton của Tom Chung thiết kế cho Muuto

Nhà thiết kế Tom Chung người Canada đã lấy cảm hứng từ đèn pin và thiết bị ngoài trời để tạo ra đèn di động. Tính thẩm mỹ của chiếc đèn này được hình thành từ tính năng siêu tiện lợi: chiếc đèn di động nhôm siêu với khối lượng nhẹ có thể đặt, treo, kẹp hoặc móc và được tưởng tượng để có thể thích ứng với các tòa nhà cổ hoặc các tình huống không có lưới điện. Ông chia sẻ răng "Tôi muốn chiếc đèn trở thành một phiên bản hiện đại của chiếc đèn pin, có thể là chiếc đèn duy nhất bạn cần trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Đèn di động 'Shades' của Sowden

Nhà thiết kế George Sowden của thương hiệu Memphis đã tạo ra mẫu đèn di động mới nhất trong loạt thiết kế đèn bằng silicone, chiếc đèn mang màu sắc táo bạo và hình dạng đơn giản. Bóng đèn LED Sowden được phát triển đặc biệt và bật/tắt bằng cách chạm nhẹ, pin của đèn có thể tháo rời và thay bằng một pin đã được sạc đầy để tránh chờ đợi pin sạc đầy giữa các lần sử dụng.

Đèn 'Obello' do Bill Curry thiết kế

Năm 1972, nhà thiết kế Bill Curry người Mỹ đã thiết kế ra đèn Obello, chiếc đèn được làm từ một mảnh thủy tinh đục trong hình dạng cây nấm cách điệu. Ông Curry đã lấy cảm hứng từ thời đại nguyên tử, cuộc đua vũ trụ và văn hóa pop của Los Angeles những năm 1970. Năm thập kỷ sau khi được hình thành, thương hiệu Gubi cho ra mắt lần đầu tiên chiếc đèn này. Được làm từ kính đục, thổi bằng miệng (giống như những thiết kế đèn gốc của Curry), chiếc đèn Obello giờ đây trở thành một nguồn sáng di động, cung cấp hơn 40 giờ sáng sau mỗi lần sạc đầy.

'Goodnight' của Philippe Starck thiết kế

Chiếc đèn Goodnight do nhà thiết kế Philippe Starck lấy cảm hứng từ ánh sáng lãng mạn của nến, từ đó tạo ra một nguồn sáng di động thông minh, đơn giản nhưng tính hiện đại rất cao. Ông chia sẻ rằng “Ánh sáng của một cây nến là ánh sáng đẹp nhất, tự nhiên và gần như là ánh sáng đầu tiên của nền văn minh của chúng ta”.

Đèn di động 'Bellhop' của Barber Osgerby thiết kế 

Đèn Bellhop đã được thiết kế bởi Barber Osgerby cho nhà hàng của Bảo tàng Thiết kế và ông lấy cảm hứng từ một trực giác hình thức đơn giản, chiếc đèn Bellhop của thương hiệu Flos là một nguồn sáng di động nhỏ gọn, đèn sạc linh hoạt và còn có thể tái sử dụng. Hiện nay đèn có những phiên bản màu sắc mới tươi sáng như vàng, xanh xám đỏ, trắng và nâu. Đèn di động nhỏ gọn này có thể hoạt động lên đến 24 giờ trước khi cần sạc lại, và các nhà thiết kế đã chọn công nghệ chiếu sáng viền để đảm bảo bề mặt được chiếu sáng đều. 'Bellhop' cũng bao gồm ánh sáng chống chói và bộ điều chỉnh ánh sáng để điều chỉnh cường độ ánh sáng từ 10% đến 100%.

Đèn ‘Pepa’ do Francesco Faccin thiết kế

Nhà thiết kế Francesco Faccin người Ý, đã lấy cảm hứng từ chuyển động của một máy xay tiêu để tạo ra chiếc đèn di động Pepa không dây cho thương hiệu đèn của Đan Mạch - Astep. Giống như việc xoay máy xay tiêu để hoàn thành một món ăn, chiếc đèn sạc lại Pepa được bật bằng cách xoay (hành động xoay đèn cũng là để điều chỉnh cường độ ánh sáng). Chiếc đèn được làm từ gỗ massif với công nghệ cảm biến từ trường đa trục phức tạp loại bỏ dây điện. Đây là một thiết kế tượng trưng cho phong cách ánh sáng của Astep: người sáng lập Alessandro Sarfatti tạo ra những tác phẩm ý nghĩa vinh danh di sản thiết kế của ngành công nghiệp ánh sáng.

'Sylvestrina' do Enric Sòria và Jordi Garcés 

Enric Sòria và Jordi Garcés đã thiết kế đèn di động Sylvestrina vào năm 1974 cho công ty đèn Tây Ban Nha - Santa & Cole. Ban đầu chiếc đèn được tạo ra với ý định tái hiện hiệu ứng của một cây đèn dầu. Sau gần năm thập kỷ, sự trang nhã đơn giản của chiếc đèn Sylvestrina được cập nhật thành một chiếc đèn sạc lại giữ nguyên sự ấm áp của phiên bản gốc với tính năng tiện ích bổ sung của công nghệ LED và pin có tuổi thọ cao.

Daphinette do Tommaso Cimini thiết kế 

Nhà thiết kế Tommaso Cimini đã thiết kế đèn bàn Daphinette cho thương hiệu Lumina, chiếc đèn giờ đây đã có phiên bản di động mới. Đèn đơn giản được định nghĩa bởi một thiết kế công nghiệp rõ ràng, với một “cánh tay” linh hoạt giữ đầu bóng đèn có thể xoay và được gắn trên một bộ biến áp. Phiên bản mới của chiếc đèn có màu đỏ giới hạn được lấy cảm hứng từ mùa lễ hội.

Đèn Arca do Philippe Malouin thiết kế 

Nhà thiết kế Philippe Malouin đã hợp tác với thương hiệu Matter Made để tạo ra một phiên bản đèn di động mới mang tên “Arca”. Đèn được phát triển như một nguồn sáng có thể sạc lại đa chức năng, nó có một mô-đun LED 110lm và hứa hẹn sử dụng lên đến 30 giờ tùy thuộc vào cài đặt (có thể được chọn từ chế độ ban đêm, chế độ không gian, chế độ đọc hoặc chế độ công việc). Chiếc đèn còn có thể tháo rời để dễ dàng đóng gói và mang đi du lịch, đây là nguồn sáng linh hoạt hoàn hảo, từ bên cạnh giường đến bên cạnh bồn tắm.

Đèn di động 'Folia' của Saint-Louis

Bộ sưu tập đèn lồng 'Folia' được lấy cảm hứng từ các mẫu hoa văn từ các khu rừng xung quanh nhà máy chế tác đá quý của thương hiệu Saint-Louis. Thiết kế của đèn được định hướng bởi sự tương phản giữa phần trên bằng gỗ mịn và phần dưới là bằng pha lê cách điệu, với các hoa văn cắt bevel được tạo ra như một sự tôn vinh cho rừng Moselle. Những chiếc đèn di động này phù hợp để sử dụng trong nhà và ngoài trời, và có thể hoạt động lên đến 25 giờ trước khi cần sạc lại. Sự hoàn thiện của nghệ thuật chế tác pha lê rõ ràng khi đèn lồng được bật, tạo ra một bóng đèn mờ ảo, quyến rũ trên không gian xung quanh.

Đèn lồng do Zanellato Bortotto thiết kế cho Louis Vuitton Objets Nomades

Hai nhà thiết kế người Ý - Daniele Bortotto và Giorgia Zanellato đã tạo ra một cặp đèn di động cho thương hiệu Louis Vuitton Objets Nomades, với một bóng đèn chiếu phân tán ánh sáng qua hoa văn da phức tạp của vỏ. Bề ngoài của chiếc đèn đặc trưng bởi một mẫu lưới ong làm từ các dải da Louis Vuitton xen kẽ, chiếc đèn còn bao gồm các chi tiết lấy cảm hứng từ túi xách của nhà Louis Vuitton như là một dây đeo tiện dụng và ba chân đồng bảo vệ da của đèn. Hai nhà thiết kế chia sẻ rằng "Một chuyến đi chơi, một bữa tối hè cùng bạn bè, một buổi đi dạo trên bãi biển, chúng tôi tin rằng dự án đèn Zanellato Bortotto sẽ là một vật dụng quen thuộc để nhẹ nhàng thắp sáng những khoảnh khắc quý giá ấy”.

Đèn di động ngoài trời 'Nui Mini' của nhà thiết kế Meneghello Paolelli Associati

Nhà thiết kế Meneghello Paolelli Associati đã sáng tạo ra chiếc đèn di động 'Nui Mini' cho thương hiệu Luceplan. Đây là một chiếc đèn bàn ngoài trời có tính năng sạc lại, sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho một buổi tối trong khu vườn của gia đình. Với một vẻ ngoài trong suốt và một phần trên của chiếc đèn có tới ba mẫu màu (trắng, xám nhạt và cát), ánh sáng tinh tế có thể điều chỉnh cường độ ánh sáng dễ dàng, do đó có thể sử dụng từ trong nhà cho tới sân vườn.

Đèn Haute của nhà thiết kế Federico Peri cho Purho

Đèn di động 'Haute' do nhà thiết kế Federico Peri tạo ra, từ sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống. Ông đã làm việc với các nghệ nhân thủy tinh tại Murano - nhà sản xuất Purho thương hiệu đến từ nước Ý. Qua dự án đèn Haute đã đưa phương pháp hợp tác giữa các nghệ nhân thủy tinh của nhà sản xuất Purho và ông Peri lên một phương diện mới. Nhà thiết kế Peri đã thử nghiệm với các kết cấu thủy tinh và các hình dạng đương đại tối giản để tái hiện lại truyền thống nghề thủ công cổ xưa. Đèn thủy tinh có tính năng sạc lại là kết quả nghiên cứu của ông Peri về chủ đề khắc thủy tinh, với các kỹ thuật như băng, xếp và khai quật gân tạo ra ba mô hình khác nhau. Bên trong, công nghệ đèn hòa quyện với những kỳ quan thủ công với một cấu trúc thủy tinh có nhiều lớp màu (gọi là 'murrina') làm tăng sự sâu sắc cho ánh sáng.

Đèn sạc 'Mūn' do OEO Studio thiết kế


Đèn sạc 'Mūn' do OEO Studio thiết kế, chiếc đèn sạc Mūn được tạo từ sự kết hợp giữa cái đẹp phong cách Á Đông với phong cách thiết kế Đan Mạch của OEO, tất cả đã được đóng gói vào trong một chiếc đèn xách tay tiện dụng. Thiết kế của chiếc đèn 'Mūn' được mô tả là 'vui nhộn, đầy tính điêu khắc nghệ thuật', hòa quyện giữa hình dạng và chức năng hữu dụng trong đời sống. Tên gọi của nó liên quan đến từ tiếng Nhật có nghĩa là "mặt trăng" và diện mạo tinh tế của chiếc đèn giống như sự di chuyển mê hoặc của mặt trăng trên bầu trời.

Đèn Bontà của nhà thiết kế Davide Oldani


Đèn 'Bontà' của đầu bếp Davide Oldani được tạo ra cho thương hiệu Artemide với mục đích là để kết hợp hoàn hảo giữa ánh sáng và ẩm thực. Phần đáy đèn sạc có bát đựng thức ăn với hình dạng và kích thước khác nhau. Davide Oldani chia sẻ rằng “chiếc đèn 'Bontà không phải là một yếu tố trang trí, nó tạo ra một không khí hỗ trợ và nâng tầm món ăn, chiếc đèn còn làm tăng sự đa dạng cho các hình dạng khác nhau của các đồ đựng món ăn.” 

FollowMe của nhà thiết kế Inma Bermúdez 

Những chiếc đèn sạc lại cổ điển mang tên FollowMe do Inma Bemúdez thiết kế cho thương hiệu Marset với các mẫu mã mới trong bảng màu pastel, chiếc đèn FollowMe được tên do sự tiện dụng và có thể mang theo mọi lúc mọi nơi. Tinh thần vui nhộn của chiếc đèn lồng nhỏ làm tăng sự thẩm mỹ cho không gian và với vẻ ngoài tinh tế giản đơn chiếc đèn sẽ hứa hẹn trở thành một phần hoàn hảo của ngôi nhà hoặc sân vườn.

Biên tập: Ngọc Hương | Nguồn: Wallpaper

https://interiordaily.vn/2023/10/31/bung-sang-khong-gian-voi-nhung-thiet-ke-den-di-dong/?feed_id=3379&_unique_id=6540d58978e8c

Comments