Bằng việc tự học hỏi và tìm tòi, nhà thiết kế Phạm Thọ Nhân bắt đầu xây dựng thương hiệu đồ nội thất của riêng mình mang vẻ đẹp hài hòa giữa quá khứ và hiện đại.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kiến Trúc, trường Đại học Văn Lang, Phạm Thọ Nhân bắt đầu làm việc với vai trò kiến trúc sư tại văn phòng Atelier tho.A. Năm 2019, anh trở thành người đồng sáng lập và nhà thiết kế của thương hiệu SNORM.
Một số thiết kế ưng ý: Ghế Pasteur (2021); Ghế Alien (2021); Ghế ăn Mantis (2021); Đôn Mantis (2022) thuộc BST Mantis; Bàn thờ ông địa (2023) và Tủ trà (2023) thuộc BST Ôm.
Chất liệu tâm đắc trong thiết kế: Tôi không có chất liệu tâm đắc hay ưu tiên. Định hướng của tôi là vật liệu sử dụng cần phù hợp với chức năng cũng như tạo hình của vật thể. Tùy từng thời điểm và yêu cầu khác nhau mà mình sẽ lựa chọn vật liệu phù hợp.
Thương hiệu – Nhà thiết kế yêu thích: Thương hiệu MUJI; NTK Naoto Fukasawa; Ronan Bouroulle. Tôi thích sự đa dạng nhưng vẫn rất đơn giản trong những sản phẩm của hai NTK trên.
Cảm hứng sáng tạo của bản thân: Cảm hứng sáng tạo của tôi đến từ nhiều nguồn, không giới hạn trong ngành mình học hay công việc đang làm. Có thể liệt kê ra một vài điều như sau:
– Đồ dùng hay đồ nội thất mang tinh thần của Sài Gòn đầu thập niên 70. – Kiến trúc của KTS Eduardo Souto deMoura.
– Âm nhạc, đặc biệt là nhạc Jazz. – Bối cảnh trong phim của đạo diễn Trần Anh Hùng.
Lý do lựa chọn theo đuổi ngành thiết kế sản phẩm nội thất? Tôi mong muốn thiết kế những sản phẩm mới, phù hợp với đời sống hôm nay nhưng vẫn mang nét duyên dáng và tinh thần thủ công của Sài Gòn xưa.
Thiết kế đầu tiên anh từng phác thảo và sản phẩm đầu tiên được sản xuất hàng loạt là mẫu nào? Hai thiết kế đó có gì khác nhau?
Đó là chiếc ghế ăn cho khách sạn Memory tại Đà Nẵng, còn sản phẩm đầu tiên được sản xuất hàng loạt là ghế ăn Mantis thuộc BST Mantis, được khắc phục những nhược điểm trước đó.
Anh đã trau dồi kiến thức và trải nghiệm của mình bằng cách nào?
Tôi không phải là một người được đào tạo chính quy trong nghành thiết kế nội thất, nên với mình, việc tự học và trải nghiệm đóng vai trò quan trọng. Đây là một số cách mà tôi hay làm: Đọc sách về thiết kế của nhiều lĩnh vực và tham khảo thêm các website hay trang mạng xã hội có chất lượng về thiết kế; Tôi cũng thường xuyên ghé thăm cửa hàng của các thương hiệu để cập nhật các xu hướng mới, giao lưu với bạn bè trong và ngoài ngành để có thể học hỏi lẫn nhau.
Thử thách lớn nhất trong ngành này đối với một NTK trẻ như anh?
Đối với tôi, đó là vật liệu. Làm việc trên các vật liệu mới luôn là thử thách với bất kỳ NTK nào, không chỉ riêng mình. Việc này luôn đòi hỏi rất nhiều thời gian nghiên cứu cũng như thử nghiệm, và kết quả thường không như ý. Ngay cả ý kiến từ phía khách hàng dành cho những thử nghiệm mới về vật liệu cũng cần phải lưu tâm rất nhiều.
Thuận lợi hay sự hỗ trợ mà anh đang nhận được trong công việc của mình đến từ đâu? Đầu tiên phải kể đến các anh em đang đồng hành cùng tôi tại SNORM. Mọi người đã giúp tôi rất nhiều trong công việc. Nếu phải kể ra một người đặt biệt nhất thì đó là anh trai tôi, người có cùng ước mơ, cũng là người làm việc trực tiếp với tôi trong khâu thiết kế và nhiều việc khác. Sau đó là các đơn vị thiết kế anh em, những người đã chung tay cũng như truyền cho tôi nhiều cảm hứng trong công việc.
Đồ nội thất có thiết kế ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Xu hướng này tác động lớn đến ngành nghề của tôi. Nhờ đó, tôi và SNORM nhận được thêm rất nhiều sự quan tâm từ hiệp hội gỗ Việt Nam, các đơn vị truyền thông, cơ quan giáo dục. Đây là nguồn động lực và hỗ trợ quý giá với tôi và tập thể.
Kế hoạch phát triển chuyên môn của anh trong tương lai gần? Sắp tới, tôi sẽ tập trung hoàn thiện sản phẩm mới trong các BST còn đang dang dở cho SNORM. Tôi cũng đang ấp ủ một triển lãm giúp mọi người hình dung SNORM một cách trọn vẹn nhất.
Theo Elle Decoration/ Bài: Hoàng Lê | Ảnh: NVCC
http://interiordaily.vn/2024/06/29/kien-truc-su-nha-thiet-ke-pham-tho-nhan-hai-hoa-giua-tinh-than-hien-dai-va-hoai-co/?feed_id=4870&_unique_id=667fe5a15a6f9
Comments
Post a Comment