Trong những thập niên vừa qua, thế giới được chứng kiến những bước tiến đáng kinh ngạc của chuyên ngành thiết kế nội thất, mà góp phần vào sự phát triển đó chính là cơ duyên “rẽ ngang” của những KTS kiệt xuất.
Nếu địa hạt sáng tạo được ví như một đại dương bao la, thì hai chuyên ngành kiến trúc và nội thất tựa như những nhánh sông, độc lập nhưng sẽ giao thoa nơi cửa biển. Kiến trúc vĩ mô và bao quát, tạo dựng cho con người một môi trường sống tốt đẹp; trong khi đó nội thất nghiên cứu sâu về chi tiết, nâng đỡ chăm chút từng trải nghiệm. Trong những thập niên vừa qua, thế giới được chứng kiến những bước tiến đáng kinh ngạc của chuyên ngành thiết kế nội thất, mà góp phần vào sự phát triển đó chính là cơ duyên “rẽ ngang” của những kiến trúc sư kiệt xuất. Không chỉ còn là một cuộc dạo chơi thể nghiệm, sự kết hợp này đã tái định nghĩa cả kết cấu và công năng, giúp tạo nên những món nội đồ thất thật khó quên. Tầm nhìn của người kiến trúc sư được thu – phóng bên trong vật thể, đẽo gọt nên cá tính đặc sắc mà ở đó câu chuyện ra đời của món đồ nội thất nắm giữ quá trình chuyển biến đa ngành vô cùng thú vị.
Một không gian đủ đầy được xác định từ những trải nghiệm tiếp xúc nhỏ bé thân mật nhất. Với xu hướng đề cao trải nghiệm người dùng như hiện nay, các kiến trúc sư cũng dần thay đổi tư duy và tiến sâu hơn trong việc khai thác mong muốn của khách hàng, chăm chút từ những món đồ sử dụng hàng ngày. Với thế mạnh về sự thấu hiểu không gian, chi tiết kết cấu và nhạy bén về mặt thẩm mỹ, các kiến trúc sư có khả năng tạo ra những món đồ ấn tượng, cân bằng giữa hình thức và công năng.
Bắt rễ từ đam mê sáng tạo và tư duy không ngừng đổi mới, kiến trúc sư xem nội thất như một phần không thể tách rời của tổng thể kiến trúc, một mảnh ghép trong bức tranh lớn hoàn mỹ. Họ có thể “cô đọng” những lý thuyết không gian, kỹ thuật và trường phái thiết kế vào trong một vật thể hữu hình. Chính sự giao thoa đa ngành đã sản sinh ra một thế hệ NTK mới, tiếp cận nội thất bằng sự thấu hiểu về không gian, chất liệu và tương tác với con người.
Với bản sắc mang đậm dấu ấn kiến trúc, một món đồ “cộp mác” kiến trúc sư sẽ luôn khơi gợi sự thích thú nơi người dùng. Không chỉ là cuộc dạo chơi bằng hiệu ứng thị giác, kiến trúc sư còn kể lại câu chuyện sáng tạo thông qua các chi tiết liên tưởng đặc trưng như: đường nét tối giản của trường phái Bauhaus, bề mặt thô ráp khối hình táo bạo gợi nhớ đến trường phái Thô mộc – Brutalist, hay những đường cong kịch tính bứt phá giới hạn của trường phái Deconstructivism – Giải tỏa kết cấu. Từ chiếc ghế biểu tượng Barrel Chair của Frank Lloyd Wright cho đến chiếc bàn Liquid Glacial Table của Zaha Hadid (ảnh trang bên) đều là những minh chứng thuyết phục cho việc thể hiện sự nguyên bản, sáng tạo bứt phá giới hạn mà các KTS đem lại cho thế giới nội thất. Âm hưởng kiến trúc vang vọng trong sự lồng ghép tinh tế vào khối hình vật thể, như để xóa nhòa ranh giới phân chia hai ngành và ngân lên bản hòa ca tuyệt đẹp của tinh thần sáng tạo.
Nếu một NTK nội thất mở mang “bờ cõi sáng tạo” của mình bằng cách khai phóng các đường nét, kết hợp chất liệu màu sắc, thì một KTS với bản chất thiên về kỹ thuật sẽ thể nghiệm qua các công nghệ sản xuất chất liệu mới. Qua kinh nghiệm va chạm trong những dự án đa dạng, một KTS kiêm NTK sẽ luôn đưa ra những phương án bất ngờ. Họ chọn những vật liệu tân tiến có thể đáp ứng được độ bền, kết cấu, công năng lẫn vẻ đẹp hình thức, hoặc biến tấu những nguyên liệu truyền thống bằng cách xử lý mới lạ. Sự sáng tạo đan xen này tạo tiền đề cho những trào lưu nội thất về sau; khi một kỹ thuật được chứng minh hiệu quả ở kích cỡ, quy mô lớn thì việc áp dụng chúng vào những thứ nhỏ gọn như đồ nội thất sẽ gạn lọc, phô bày được những gì tinh tế nhất.
Thêm vào đó, bản chất công việc kiến trúc là luôn tìm lời giải đáp, quan sát vấn đề theo cách đa phương diện nên vật thể do KTS sáng tạo luôn chứa đựng sự táo bạo, phá vỡ khuôn khổ theo một cách nào đó. Jean Nouvel – KTS từng được trao giải Pritzker lừng danh, là một trong số những nhân vật tiêu biểu cho niềm đam mê thể nghiệm chất liệu và công nghệ. Cũng giống như những công trình đáng kinh ngạc của mình, nội thất của Jean Nouvel gây choáng ngợp với những hình khối gai góc, lựa chọn chất liệu kết hợp cùng hiệu ứng thẩm mỹ mạnh bạo, cá tính. Tiêu biểu nhất trong số đó có thể kể đến ghế Skin, kết hợp khung nhôm cán mỏng với mặt ghế làm từ da thuộc được cắt hoa văn, tạo khối đẹp như một tác phẩm điêu khắc. Hay như chiếc ghế Tulip của Eero Saarinen ra đời vào năm 1955 cũng trở thành hình mẫu biểu tượng cho chủ nghĩa hiện đại và tiên phong thử nghiệm đưa vật liệu mới vào sản xuất nội thất. Chính nhờ những sản phẩm như ghế Tulip hay Womb làm từ nhôm đúc với lớp hoàn thiện phủ rilsan, thiết kế nội thất dần thoát ra khỏi thời kỳ của sự cứng nhắc vì những khố hình bệ vệ và tiến đến hệ thẩm mỹ đề cao thanh thoát, liền mạch nguyên khối.
Một khía cạnh nổi bật nữa chính là sự đề cao tính thực tiễn của thiết kế. Công trình kiến trúc đòi hỏi sự cam kết chắc chắn, chính vì vậy người sử dụng hoàn toàn có thể tin tưởng vào tính hữu dụng của những sản phẩm nhào nặn bởi KTS. Trọng tâm chính là sự hài hòa, các thiết kế này sẽ luôn cân bằng được nhu cầu sử dụng và trưng bày. Tuy nắm giữ tiềm năng bùng nổ, nhưng hành trình chuyển mình thành NTK cũng đặt ra những thử thách nhất định cho KTS. Nội thất được sản xuất hàng loạt sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế, việc quảng bá tiếp thị rộng rãi đòi hỏi sự tương tác với công chúng nhiều hơn. Song song đó KTS phải duy trì được sức sáng tạo mà không đánh mất tầm nhìn thẩm mỹ cũng như tôn chỉ hành nghề: đó là những công trình vị nhân sinh, làm dày văn hoá, phục vụ cộng đồng chứ không thể quá sa đà vào việc thể hiện bản lĩnh cá nhân – điều họ có thể tự do thể hiện trên một sản phẩm nhỏ.
Hành trình chuyển dịch của các KTS sang lĩnh vực thiết kế được ghi dấu bởi những yếu tố phát triển chính sau:
Mở rộng phạm vi: Khởi đầu, các KTS chủ yếu tập trung thiết kế nội thất phục vụ trong công trình của họ bởi chúng đem lại sự nhất quán trong thẩm mỹ và có thể khắc hoạ sâu sắc tinh thần của công trình đó. Từ một sự bổ sung, các thiết kế sẽ dần được đưa vào sản xuất hàng loạt khi nhu cầu tìm mua tăng cao. Theo sau đó sẽ là những lần bắt tay hợp tác giữa KTS và nhãn hàng nội thất để cho ra các BST đặc biệt.
Khi Luwig Mies van der Rohe thiết kế chiếc ghế Barcelona cho Triển lãm Quốc tế Barcelona 1929, hẳn ông không ngờ chiếc ghế da với chân hình chữ X cong tinh tế này sẽ được vinh danh như một biểu tượng thiết kế nội thất hàng thập kỷ sau. Barcelona Chair được sử dụng lần đầu tiên trong Villa Tudendhat, một dinh thự tư nhân do chính Mies van der Rohe thiết kế. Sau này, hãng Knoll tiếp nhận sản xuất thiết kế này và cho ra đời nhiều phiên bản cải tiến, đưa thiết kế này thành một biểu tượng đằng cấp của nội thất thế kỷ 20.
In đậm dấu ấn cá nhân vào trong mỗi sản phẩm: Phong cách đặc trưng của mỗi KTS được cô đọng trong từng sản phẩm họ thiết kế. Marcel Wanders ghi dấu phong cách sang trọng, bay bổng của mình trong thiết kế Knotted Chair (Droog Design) và đèn Skygarden (hãng Flos). Tinh thần chiết trung được ông vận dụng trong không gian kiến trúc cũng tỏa sáng trong từng đường nét sản phẩm truyền tải qua ngôn ngữ thiết kế tinh tế, tôn vinh sự giao thoa của kỹ nghệ truyền thống và thẩm mỹ đương đại. Chúng ta cũng có Kengo Kuma nổi danh với các công trình, thiết kế nội thất đầy chất thơ tôn vinh văn hoá Nhật Bản và tinh thần hòa hợp với thiên nhiên.
Hai chiếc ghế Nagasaki và Bambow của ông kể lại một hành trình khám phá vật liệu tre, gỗ thú vị, song song đó là sự tri ân đến kỹ nghệ chế tác tài hoa của dân tộc mình. Sou Fujimoto cũng đã lan toả tinh thần tối giản và kết cấu phân tách thú vị, vốn là bản sắc thẩm mỹ đầy thuyết phục của ông, vào các sản phẩm nội thất tinh gọn, bay bổng như thơ: ghế dài Serpentine Pavilion cho Louis Vuitton hay khối điêu khắc chuyển động Medusa tuyệt đẹp ở Bảo tàng V&A.
Ứng dụng công nghệ kiến trúc vào sản xuất nội thất: Là chuyên ngành tạo dựng nên xương sống phát triển xã hội, ngành kiến trúc được tiếp cận với những công nghệ tiên phong mới lạ. Với sự tiến bộ của công nghệ, các kiến trúc sư được “chắp cánh” đẩy xa giới hạn của hình dáng, cấu trúc vật thể và khai phá thêm nhiều chất liệu tiềm năng mới. KTS Ron Arad là một trong những nhân vật tiêu biểu cho trường phái cấp tiến này. Các thiết kế biểu tượng của ông như kệ sách Bookworm cho hãng Kartell hay ghế Tom Vac cho hãng Vitra thể hiện sáng rỡ những bước tiến trong công nghệ chế tạo, ứng dụng vật liệu mới tài tình, đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của thiết kế nội thất xa rời khỏi khuôn mẫu truyền thống. Hay như Philippe Starck từng vận dụng chuyên môn của mình để tạo ra chiếc ghế siêu nhẹ huyền thoại Ghost Chair và Masters Chair, giúp nâng tầm chất liệu nhựa và mở ra thời kì nội thất hiện đại sắc nét cá tính.
Tập trung vào tính bền vững: một trong những khía cạnh quan trọng của nghề kiến trúc là sự cân nhắc đến tác động môi trường. Các KTS kiêm NTK hiện nay rất quan tâm đến giá trị của sự bền vững vì hơn ai hết họ là người chứng kiến rõ nhất những tác động to lớn và gánh nặng mà con người tạo ra cho môi trường sống tự nhiên. Việc đề cao tính bền vững cũng dần trở thành một nhận thức nghề nghiệp, giúp thúc đẩy sự phát triển ngành kiến trúc – thiết kế theo hướng tích cực hơn. Những hành động cụ thể có thể bao gồm: lựa chọn chất liệu thân thiện với môi trường, kết hợp các thành phần được tái chế và cải tạo để tiết kiệm nguyên liệu, ưu tiên tính bền vững và thời gian sử dụng dài lâu để hạn chế rác thải, gây lãng phí.
KTS Shigeru Ban là một trong những nhà tiên phong trong việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Tinh thần vị nhân sinh của ông thể hiện qua việc tiết kiệm và cân nhắc, tận dụng những vật liệu vô cùng sáng tạo. Vật liệu ưa thích của ông là giấy và gỗ. Với BST nội thất CARTA, ông đã đưa phong cách kiến trúc đặc trưng của mình vào sản phẩm, làm nên những chiếc bàn ghế từ ống bìa carton có độ uốn lượn tinh tế mà vẫn đủ vững chãi, hiệu quả khi sử dụng. Shigeru Ban cũng bày tỏ rõ ràng quan điểm trung thành với sự tinh giản và trách nhiệm với môi trường trong Hệ sản phẩm Artek 10-Unit System gồm các sản phẩm tự do tháo lắp, có thể biến thành bàn hoặc ghế tùy theo cách lắp đặt của người sử dụng.
Những lần bắt tay khuynh đảo thị trường: Khi các KTS bắt đầu ký kết sản xuất cùng những công ty nội thất lớn, tên tuổi và sản phẩm của họ chính thức tiếp cận được đối tượng khách hàng rộng lớn. Tận dụng chuyên môn chế tạo và nguồn tài nguyên của các ông lớn trong ngành, các kiến trúc sư có thể mở rộng phạm vi thị trường và khám phá các cơ hội đổi mới cũng như đạt được sự thấu hiểu người dùng sâu sắc hơn. Những lần bắt tay mang tính biểu tượng có thể kể đến: Charles và Ray Eames cùng hãng Herman Miller, với sản phẩm Eames Lounge Chair và Ottoman qua bao nhiêu năm vẫn đứng vững như một tượng đài. Hay ghế Eames Plastic Chair trong thương vụ bắt tay cùng Vitra, khởi đầu cho kỷ nguyên nội thất kiểu châu Âu tinh tế với sự lên ngôi của chất liệu sợi thuỷ tinh. Hiện đại hơn chúng ta có Patricia Urquiola cùng một loạt những tác phẩm thành công vang dội như Husk Chair cho hãng B&B Italia với dáng ghế lưng ốp vỏ sò mềm mại, ghế đệm êm ái, mở ra thời kỳ của nội thất xoa dịu, đóng góp tích cực vào việc tận hưởng chất lượng cuộc sống của gia chủ, trong khi vẫn nêu bật tinh thần sang trọng, khác biệt. BST Crinoline cho hãng Moroso cũng là một luồng gió mới mang đầy tính nữ vào thế giới thiết kế hiện đại với nét thanh tao, bay bổng tạo nên từ sự kết hợp chất liệu khéo léo. Ngoài ra, bà còn sáng tạo nên Clap Chair cho hãng Kartell, Garden Layers cho hãng thảm GAN, BST Shimmer cho Glas Italia và bộ sản phẩm Maia cho Kettal với điểm nhấn xuyên suốt và câu chuyện chất liệu thú vị, đan xen giữa truyền thống và tinh thần đương đại.
Hành trình khai mở khám phá: khi người KTS chạm ngõ với công việc thiết kế nội thất, họ không chỉ khám phá năng lực bản thân mà còn trải qua sự biến đổi trong tư duy khi được nghiên cứu sâu hơn về sự tương tác giữa con người với vật thể. Nếu một công trình kiến trúc tập trung vào việc tạo ra môi trường lành mạnh, thúc đẩy con người phát triển trong khi vẫn đảm bảo sự thoải mái an toàn, thì việc tương tác với nội thất chính là điều giúp hoàn thiện những cảm xúc, trải nghiệm đó. Trong công việc chính ngành, KTS thường quen làm việc với những khối cấu trúc lớn và các chiều không gian; trong khi đó, ngành nội thất đòi hỏi sự tỉ mỉ tập trung “cô đọng” ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều, đi kèm là tỷ lệ đo ni đóng giày chính xác. Khác biệt giữa tỷ lệ thu – phóng có thể đem đến nhiều thử thách cho người KTS khi họ tìm hiểu về cách nội thất trong không gian đó tương tác và cùng lan toả năng lượng ra sao đến người sử dụng. Bjarke Ingels từng thực hiện sự chuyển đổi quy mô đó khi sử dụng chính hình tượng toà nhà hình tam giác VIA 57 West ở New York làm cảm hứng cho thiết kế ghế Via57 được sản xuất bởi hãng Fritz Hansen.
Trọng tâm của thiết kế nội thất chính là công năng và công thái học, cách chúng chuyển động và nâng đỡ cơ thể con người tạo ra tính “động” cao hơn so với một công trình kiến trúc, đòi hỏi người kiến trúc sư phải đi sâu tìm hiểu về cơ thể con người để có thể thành công trong việc thiết kế ra những sản phẩm an toàn, thoải mái, phù hợp với nhu cầu và giới hạn của người sử dụng. Nếu ví kiến trúc như một cơ thể vật lý giúp ta thích nghi với môi trường sống chung quanh thì nội thất chính là những rung động cảm xúc giúp ta trải nghiệm cuộc sống theo cách trọn vẹn, thú vị nhất. Người KTS khi thực hành công việc thiết kế không đơn giản chỉ là chọn lớp hoàn thiện, ánh sáng hay chủng loại nội thất mà họ còn tạo ra được dòng chảy hoà hợp xuyên suốt không gian, phản ánh tinh thần và tầm nhìn của gia chủ theo cách riêng tư, chọn lọc nhất. Khía cạnh cảm xúc con người sẽ là thử thách cho KTS vì nó đòi hỏi sự thuyết phục đầy tâm ý, khác với việc vận dụng quyền uy của kỹ thuật kết cấu không gian, sử dụng chuyên môn và tầm nhìn trong kiến trúc để có được niềm tin của khách hàng. Kiến trúc tạo dựng niềm tin từ quy mô và tầm nhìn chinh phục tương lai, còn nội thất lại tỉ mỉ tinh tế, âm thầm gặt hái sự ưng thuận tín nhiệm nhờ quan tâm đến cảm xúc trong từng cái chạm. Chính vì thế, khi thực hành thiết kế nội thất, KTS có thể nhân cơ hội này bồi đắp kiến thức về kỹ nghệ thủ công tinh vi, từ đó, thêm trân trọng những dấu ấn nhỏ bé mà đắt giá được chăm chút bởi đôi bàn tay thay vì máy móc hoành tráng.
Hành trình chuyển đổi, thực hành song song hai ngành đòi hỏi khả năng thích nghi, chinh phục và khao khát học hỏi của người KTS. Cuộc giao thoa sáng tạo này có thể giúp bồi đắp sự phong phú liên ngành khi từng cá nhân liên tục được vận dụng kiến thức, đam mê theo cách chưa từng có trước đây. Việc đồng thời mở ra hai cánh cửa tạo nên sự bùng nổ, xoá mờ ranh giới giữa hai chuyên ngành tách biệt nhưng chẳng thể tách rời này.
Theo Elle Decoration / Thực hiện: Phương Nguyễn
https://interiordaily.vn/2024/07/26/kien-truc-su-lan-san-noi-that-hanh-trinh-chuyen-bien-va-thang-hoa-trong-sang-tao/?feed_id=5132&_unique_id=66a3bf4ec0eed
Comments
Post a Comment